TRƯỜNG CAO ĐẲNG DƯỢC TRUNG ƯƠNG - HẢI DƯƠNG
50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
TS. NGUYỄN THỊ HƯỜNG
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường
Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương được thành lập theo Quyết định số 3689/QĐ-BGDĐT ngày 12/07/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Dược – Bộ Y tế mà tiền thân của nó là trường Trung học chuyên nghiệp Dược được thành lập theo Quyết định số 964/QĐ-BYT ngày 03/11/1965 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Như vậy tính đến nay nhà trường đã có bề dầy lịch sử 50 năm đào tạo nguồn nhân lực Dược cho ngành Y tế Việt Nam
Trải qua chiều dài 50 năm lịch sử, dưới mái Trường Dược thân yêu, lớp lớp các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên đã hăng say công tác, học tập và rèn luyện để góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường luôn luôn gắn liền với các giai đoạn cách mạng của dân tộc và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên đã từng công tác và học tập dưới mái trường. Quá trình ấy có thể chia thành các giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn 1965 - 1975
Trường được thành lập đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, đế quốc Mỹ đang điên cuồng mở rộng chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân vô cùng ác liệt. Để hoàn thành nhiệm vụ, Nhà Trường phải rời thủ đô Hà Nội sơ tán đến vùng nông thôn thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Tại nơi sơ tán, Trường vừa xây dựng cơ sở vật chất, vừa tiến hành nhiệm vụ đào tạo với vô vàn khó khăn thử thách. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn; các giảng đường, phòng thí nghiệm, nơi làm việc hầu hết là nhà tranh vách đất; nơi ở của thầy và trò chủ yếu là nhờ vào nhà dân. Được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương, cùng với sự kiên trì phấn đấu không mệt mỏi của thầy và trò, Trường đã nhanh chóng ổn định, vừa xây dựng, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo mà Bộ Y tế giao cho. Trong 10 năm tại nơi sơ tán (từ 1965 đến 1975), Trường đã đào tạo được hàng ngàn Dược sĩ Trung học cho cả nước và cho các nước bạn Lào, Campuchia. Học sinh của Nhà Trường, sau khi tốt nghiệp đã tỏa đi khắp các chiến trường và mọi miền của tổ quốc để tích cực phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe của quân và dân trong cả nước, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng là lúc nhà trường kết thúc 10 năm đào tạo tại nơi sơ tán. Trường được chuyển về đóng tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường nơi sơ tán
2. Giai đoạn 1976 - 2006
Giã biệt vùng nông thôn thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, Nhà trường được chuyển đến địa điểm mới trên diện tích 2 ha ruộng trũng nay thuộc phường Thanh Bình, Thành phố Hải Dương, cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường lại hăng say bắt tay vào vừa giảng day, học tập vừa lao động xây dựng cơ sở mới. Ban đầu, các phòng học, nhà ở của cán bộ, giáo viên và học sinh chủ yếu là nhà tranh, vách đất; trang thiết bị làm việc và dạy học từ nơi sơ tán chuyển ra vẫn còn rất thô sơ và thiếu thốn.
Khu đất UBND tỉnh Hải Hưng cấp (4 - 1974) để xây dựng nhà trường hiện nay
Trong giai đoạn này, để phù hợp với mục tiêu đào tạo mà Bộ Y tế, Bộ Giáo dục – Đào tạo giao cho, Trường Trung học Chuyên nghiệp Dược được đổi tên thành Trường Trung học Kỹ thuật Dược (vào tháng 2 năm 1981) rồi trường Trung học Kỹ thuật Dược Trung ương (vào tháng 12 năm 1985) và sau đó lại đổi tên thành Trường Trung học Dược – Bộ Y tế (vào tháng 1 năm 1997).
Từ năm 1986, dưới sự lãnh đạo Đảng, cả nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, trong đó có lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới (từ năm 1986 đến năm 2006), kinh tế - xã hội đất nước đã có nhiều thay đổi vượt bậc, Giáo dục - Đào tạo được quan tâm đúng mức và đạt được nhiều thành tựu. Thành quả của công cuộc đổi mới đã tạo điều kiện giúp nhà trường đạt được những bước phát triển toàn diện trên nhiều mặt:
Các giảng đường, phòng thí nghiệm, cơ sở làm việc, nhà ở của cán bộ, giáo viên và học sinh đã được xây mới bằng nhà kiên cố, khang trang, sạch đẹp; vật tư, trang thiết bị phục vụ đào tạo đã được thay thế hiện đại hơn; nguồn nhân lực trực tiếp cho hoạt động đào tạo được tăng cường; giáo viên thường xuyên được quan tâm bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; chương trình đào tạo, mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới; đa dạng hóa các đối tượng và các loại hình đào tạo; quy mô đào tạo được mở rộng. Có thể nói đây là giai đoạn Trường khẳng định thương hiệu đào tạo Trung cấp Dược được xã hội thừa nhận. Trường đã được Bộ Y tế giao chủ trì tổ chức tập huấn “Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục Dược sỹ trung học” cho các trường Y tế các tỉnh miền Bắc, đồng thời tổ chức lớp tập huấn “Phương pháp giảng dạy thực hành Dược" cho các trường Y tế của cả nước.
Lớp tập huấn "Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục Dược sỹ trung học"
cho các trường Y tế ở miền Bắc
Sự phấn đấu nỗ lực của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Nhà nước ghi nhận. Giai đoạn này Nhà Trường đã được cấp trên trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:
- 03 Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trao tặng các năm 1979, 1981, 2005.
- 01 Huân chương Itsala hạng Nhất do Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trao tặng năm 1988.
- Nhiều năm liền Trường được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Cờ thi đua và Bằng khen "Đơn vị xuất sắc toàn diện".
- Đảng bộ nhà trường liên tục được Tỉnh ủy Hải Hưng tặng Cờ thi đua và Bằng khen "Đảng bộ trong sạch, vững mạnh".
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhà trường 3 lần được tặng Cờ luân lưu mang chân dung Bác Hồ vĩ đại, nhiều năm liền được suy tôn là đơn vị đứng đầu khối các trường chuyên nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hải Hưng.
- Nhà Trường được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương và Quân khu Ba tặng Cờ thi đua "Đơn vị Quyết thắng".
Bộ môn Bào chế (1978)
Bộ môn Dược liệu (1978)
3. Giai đoạn 2007 – 2010
Do nhu cầu phát triển của đất nước và sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực Dược trong thời kỳ hội nhập quốc tế, ngày 12/07/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 3689/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Dược - Bộ Y tế. Quyết định này đã đưa Trường lên một vị thế mới, khẳng định một bước tiến quan trọng có tính chất đột phá. Nhà trường đã được Bộ Y tế phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Trường đến năm 2020. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể được duyệt, Trường xây dựng kế hoạch cải tạo cơ sở hiện tại, bước đầu xây dựng dự án kinh tế - kỹ thuật trình Bộ Y tế phê duyệt, xây dựng Quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nâng cao chất lượng giáo trình, cải tiến chương trình giảng dạy…
Mặc dù còn nhiều khó khăn về mặt xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng các chương trình đào tạo, tăng cường trang thiết bị dạy học hiện đại, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, tập thể cán bộ, giảng viên, học sinh – sinh viên nhà trường đã đoàn kết phấn đấu nỗ lực và đạt được những thành tích xuất sắc:
- Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010.
- Được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2009.
- Đảng bộ Nhà trường được Tỉnh uỷ Hải Dương tặng Bằng khen; được Thành ủy Hải Dương công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
- Các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn được cấp trên công nhận danh hiệu “Đơn vị vững mạnh xuất sắc toàn diện”
4. Giai đoạn 2010 - 2015
Do nền kinh tế thế giới và trong nước suy thoái, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2/2011 về việc cắt giảm đầu tư công. Từ đó dự án đầu tư xây dựng cải tạo mở rộng Trường bị ngừng thi công làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Trường. Đặc biệt, do nhu cầu xã hội, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Y tế đã cho phép nhiều trường trong hệ thống giáo dục của cả nước được đào tạo nhân lực Dược trình độ Cao đẳng và Trung cấp. Điều đó, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trong đào tạo. Ngoài ra, trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực, ảnh hưởng của nền giáo dục thế giới đã làm thay đổi quan niệm, tư duy, phương pháp trong đào tạo, đòi hỏi nhà trường phải có những chiến lược đổi mới cho phù hợp như đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá, học liệu... Do đó, áp lực về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân lực đào tạo có trình độ cao là một thách thức lớn.
Khu giảng đường A và thư viện trước khi được cải tạo nâng cấp
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy và Ban Giám hiệu, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và học sinh – sinh viên, Trường đã vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển, giữ vững uy tín và chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và xu hướng phát triển của nhà trường trong hệ thống giáo dục – đào tạo của cả nước. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương, Nhà trường đã có nhiều giải pháp tích cực, từ đó phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Y tế giao cho. Kết quả đó được thể hiện trên các mặt công tác sau:
- Công táctuyển sinh: đảm bảo đúng kế hoạch, đúng quy chế, đủ chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng và công khai. Số lượng tuyển sinh tăng hàng năm, quy mô đào tạo đạt trên 3000 HSSV vào năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Điểm xét tuyển vào Trường hệ Cao đẳng là kết quả thi khối A hệ đại học theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo các năm đều cao hơn điểm sàn từ 2,5 – 5 điểm. Trường phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội mở 02 lớp Đại học liên thông và 02 lớp Dược sĩ Chuyên khoa 1.
- Công tác đào tạo:
+ Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiên tiến, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ; viết và thẩm định giáo trình, tài liệu học tập, đề cương chi tiết học phần. 100% các môn học đều có giáo trình, tài liệu, đề cương học tập đảm bảo chất lượng; bước đầu định hướng đào tạo dựa trên năng lực; đã tiến hành đào tạo và cấp chứng chỉ GPs (GMP, GSP, GLP, GPP).
+ Thành lập Ban Giám sát đào tạo, Ban Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ; đổi mới công tác giao ban phòng, bộ môn; thông qua đó, các cán bộ, giảng viên thực hiện tốt hơn các nội quy, quy chế; chất lượng giờ giảng, giờ làm việc được nâng cao.
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo và thiết kế bài giảng; sử dụng phần mềm quản lý đào tạo đạt hiệu quả cao, hầu hết các giảng viên của Trường đều sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy.
+ Từ năm 2012, Trường đã thực hiện việc tự đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiểm định chất lượng giáo dục.
+ Công tác quản lý đào tạo của Trường được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, được các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đánh giá cao. Năm 2011, 2014, Bộ Y tế tổ chức kiểm tra chéo định kỳ công tác đào tạo các trường đào tạo Y Dược trong toàn quốc theo cụm. Trường được xếp thứ nhất cụm 5 trường gồm CĐ Y tế Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Trung cấp Y tế Hải Dương năm 2011. Năm 2014, Trường vinh dự được Bộ Y tế chọn, giao nhiệm vụ là Trưởng đoàn giám sát đào tạo các trường Cao đẳng Y - Dược các tỉnh Nam bộ. Trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
- Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên: đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường đã trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm. Số lượng và chất lượng giảng viên có trình độ sau Đại học tăng nhanh: năm 2010, Trường chỉ có 11 giảng viên có trình độ trên Đại học; đến nay, con số đó là 45 người (chiếm 57,7%). Hàng năm, nhà trường chủ động tổ chức hàng chục lớp đào tạo lại cho các giảng viên về phương pháp sư phạm, phương pháp dạy theo học chế tín chỉ, phương pháp nghiên cứu khoa học, cách viết bài báo khoa học, viết câu hỏi lượng giá, soạn giáo án, soạn đề cương chi tiết của từng học phần v.v.... Trường phối hợp với trường Đại học Dược Hà Nội mở các lớp đào tạo kỹ năng giảng dạy tiên tiến cho hầu hết giảng viên trẻ của Trường và mở nhiều lớp bồi dưỡng giảng viên theo dự án Nuffic, dự án ADB... Hàng năm 100% giảng viên tham gia hội giảng cấp bộ môn, trên 70% giảng viên của nhà trường đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, có nhiều giảng viên đạt giải nhất, nhì trong các hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp toàn quốc.
Nhà trường có chế độ ưu đãi xứng đáng để động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Công tác nghiên cứu khoa học: đây là lĩnh vực mới còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn.Ban lãnh đạo nhà trường đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường. 100% các đơn vị đăng ký và triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm. Mỗi năm, có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cấp cơ sở được nghiệm thu, với kinh phí hàng trăm triệu đồng, được ứng dụng triển khai trong giảng dạy và áp dụng vào thực tế. Đặc biệt, có 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá có tính khoa học, tính thực tiễn ứng dụng cao và được nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Đó là:
Đề tài “Nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết của thân cây Ý dĩ” đã tham dự báo cáo khoa học ở Hội nghị Dược Đông Dương tổ chức tại Thái Lan đạt giải nhất, tham dự Hội thi sáng tạo Côn Sơn đạt giải Nhì, tham dự hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường đại học cao đẳng y dược toàn quốc năm 2012 đạt giải nhất;
Đề tài “Nghiên cứu tác dụng dược lý của 3 dược liệu:Bồ đề, Ý dĩ, Xấu hổ trong điều trị sỏi tiết niệu” tham gia hội nghị khoa học tuổi trẻ các trường đại học và cao đẳng y dược năm 2014 được giải nhì;
Đề tài “Nghiên cứu sản xuất viên nang an thần từ bài thuốc an thần hoàn của bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Hải Dương” tham dự hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ năm 2014 đạt giải ba.
Ngoài ra, nhà trường đang tham gia đề tài “Nghiên cứu thực trạng đào tạo và sử dụng nhân lực Dược trình độ Cao đẳng giai đoạn 2014-2020”. Đây là một đề tài nghiên cứu khoa học tương đương cấp Bộ do Chương trình phát triển nguồn nhân lực Y tế - Bộ Y tế cấp kinh phí 45.000 USD đang được triển khai thực hiện với quy mô toàn quốcvàcó ý nghĩa thực tiễn cao.
- Công tác hợp tác quốc tế: từng bước được triển khai thực hiện theo các chương trình, dự án hợp tác đào tạo với các trường, các tổ chức phi chính phủnhư dự án ADB (dự án phát triển nguồn nhân lực y tế), dự án HPET (dự án đổi mới, cải cách chương trình giáo dục y tế). Trường đã ký hợp tác quốc tế trong đào tạo với Trường Đại học Y khoa IMU - Malaysia. Hàng năm, Nhà Trường đã cử hàng chục cán bộ, giảng viên đi thăm quan, học tập về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học Y-Dược ở các nước Thái Lan, Malaysia, Nhật BảnvàChâu Âu.
- Công tác xây dựng Cơ sở vật chất - Trang thiết bị: dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủyvàBan Giám hiệu, các đơn vị đã tích cực xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung hoàn thiện trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển của Nhà Trườngvà tạo nênsự thay đổi vượt bậc. Cổng trường được xây mới khang trang, rộng mở; xây dựnghệ thống tường rào, đảm bảo mỹ quan và an ninh; cải tạo vườn thuốc nam với diện tích 500m2, bổ sung nhiều loại cây thuốc; xây thêm 10 giảng đường và 15 phòng thí nghiệm, chuẩn bị mẫu đạt chuẩn; xây dựng nhà thực hành sản xuất thuốc tốt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); khởi công xây dựng tòa nhà 6 tầng trong năm 2015 làm khu giảng đường – thư viện với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Trang thiết bị được đầu tư mua sắm mới với số tiền hàng triệu USD từ các dự án (ADB, nâng cao năng lực phòng thí nghiệm, thực hành...). Các phòng thực hành đều được trang bịcácmáy móc, thiết bịhiện đại;100% các giảng đường được trang bị máy chiếu projector, các thiết bị trợ giảng,trang bị đầy đủ máy tính có kết nối mạng tại các bộ môn, phòng làm việc và phòng thực hành; triển khai hoạt động có hiệu quả phòng học ngoại ngữ, nhà thuốc thực hành, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu và học tập của các cán bộ,giảng viên và học sinh,sinh viên; cải tạo, mở rộng thư viện và nâng cao chất lượng công tác phục vụ người đọc; bổ sung hơn 3.000 đầu giáo trình, tài liệu tham khảo, sách báo, tạp chí; phòng đọc được trang bị nhiều máy tính kết nối mạng; liên kết kịp thời và hiệu quả với các giảng viên bộ môn trong việc chỉnh lý, sửa chữa và hoàn thiện giáo trình các môn học; cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng các giáo trình, tài liệu giảng dạy cho cán bộ giảng viên và học sinh, sinh viên.
Giảng đường khu B và nhà thực hành 3 tầng được xây mới
- Công tác tổ chức cán bộ: đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Trường giai đoạn 2010-2020; Quy chế tổ chức và hoạt động sửa đổi, theo Quy chế tổ chức và hoạt động mới, số lượng các phòng, bộ môn của Trường tăng lên là 17 bộ môn, 11 phòng chức năng và 02 trung tâm; xây dựng Đề án vị trí việc làm theo đúng yêu cầu của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế; thực hiện đổi mới công tác cán bộ, bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí, sắp xếp nhân lực hợp lý, đảm bảo đúng người, đúng việc, phát huy năng lực của cán bộ, viên chức;thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ đối với giảng viên chuyên môn và giảng viên có trình độ cao về làm việc với Trường, đã tuyển dụng được 49 viên chức, trong đó có 42 giảng viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo có uy tín, đáp ứng được quy mô đào tạo ngày càng tăng trong sự nghiệp phát triển của nhà trường.
- Công tác Thanh niên và học sinh – sinh viên: Công tác Đoàn Thanh niên, học sinh – sinh viên nhà trường đã có nhiều thành tích trong việc tham gia các phong trào thi đua trong nhà trường và các hoạt độngxã hội. Cụ thể là:
+ Công tác giáo dục chính trị tư tưởng: đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục nếp sống văn hoá cho đoàn viên thanh niên. Hàng năm, 100% Bí thư Chi đoàn, cán bộ Đoàn chủ chốt được học tập quán triệt các vấn đề chính trị tại biển Đông và tuyên truyền cho đoàn viên trong toàn Trường. 100% đoàn viên tham gia cuộc thi tìm hiểu về “Luật biển Việt Nam”. Quyên góp ủng hộ Nghĩa tình Trường Sa và Tô thắm màu cờ Tổ quốc với số tiền hơn 15.000.000 đồng. Tham gia thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh do Tỉnh Đoàn tổ chức, đạt giải Nhì.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thaothu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh – sinh viên tham gia nhưtổ chức cuộc thi “Nét đẹp văn hóa học đường”, “Trường Dược trong tim tôi”, “Rung chuông vàng”, tham gia Hội thi “Tiếng hát học sinh – sinh viên” đạt giải Nhì.
+ Các hoạt động phong trào tình nguyện:được tổ chức quy mô, bài bản, đạt hiệu quả cao, thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên tham gia, với các chương trình như: Tiếp sức mùa thi; Sinh viên 5 tốt;Sinh viênxây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh; 5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Tuổi trẻ sáng tạo; thành lập các câu lạc bộ "Kết nối vì nhân đạo",trực tiếp giúp đỡ các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương... Đặc biệt là chương trình “Chung sức cùng cộng đồng” tại các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Hà, Thanh Miện, Kinh Môn, đã phát thuốc miễn phí cho hàng trăm đối tượng chính sách với tổng số tiền gần 100 triệu đồng; phong trào “Hiến máu nhân đạo” trung bình mỗi năm hiến được trên 300 đơn vị máu hàng năm, được UBND tỉnh Hải Dương tặng bằng khen.
+ Đoàn Thanh niên và Hội HSSV đã thành lập các câu lạc bộ: Võ Nhất Nam, Ghita, Kỹ năng mềm, Sinh viên tình nguyện, Tiếng anh, Chuyên môn Dược... đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện, tăng cường kỹ năng mềm cho HSSV; thành lập Đội tự quản, kiểm tra giám sát việc thực hiện nội quy trong giờ tự học, giữ gìn an ninh - trật tự trong khu nội trú.
+ Tổ chức đối thoại định kỳ giữa Hiệu trưởng và học sinh – sinh viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh – sinh viên và thực hiện tốt các Quy chế 42, Quy chế 27, Quy chế 60 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác rèn luyện và quản lý HSSV; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với HSSVmiễn giảm học phí, khen thưởng học sinh – sinh viên nghèo vượt khó, cấp học bổng… với tổng số tiền gần 700 – 800 triệu đồng/năm.
- Công tác chăm lo đời sống CBVC và người lao động : Nhà trường luôn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho CBVC và người lao động. Hàng tháng người lao động của nhà trường đều được hưởng lương tăng thêm trung bình bằng 0,6 mức lương cơ bản theo hệ số ngạch bậc. Hằng năm, nhà trường đều tổ chức cho cho cán bộ, viên chức và người lao động đi thăm quan, du lịch.
Từ năm 2010 đến nay là một khoảng thời gian không dài, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban Giám hiệu kết hợp với sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, giảng viên, học sinh – sinh viên Nhà trường đã mang lại những thành tựu to lớn, được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương ghi nhận và trao tặng những phần thưởng cao quý:
- Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước tặng năm 2015;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng năm 2012;
- Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Y tế tặng các năm 2012, 2014;
- Cờ thi đua xuất sắc do Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tặng năm 2013 trong phong trào Thi đua khối các trường chuyên nghiệp và dạy nghề;
- Trường liên tục được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen đơn vị đạt danh hiệu “Tập thể lao động Xuất sắc”;
- Đảng bộ Nhà trường đạt danh hiệu "Đảng bộ trong sạch vững mạnh" nhiều năm liền, năm 2014 được Tỉnh ủy Hải Dương tặng Bằng khen;
- Công đoàn Trường được Công đoàn Y tế Việt Nam tặng Cờ thi đua “Công đoàn cơ sở có thành tích xuất sắc toàn diện” các năm 2012 và 2014; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua “Công đoàn cơ sở có phong trào thi đua xuất sắc toàn diện” năm 2015.
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh liên tục được Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn Hải Dương tặng Bằng khen "đơn vị xuất sắc toàn diện". Năm 2015 được Trung ương Đoàn tặng cờ thi đua "Đơn vị Xuất sắc toàn diện".
Ngoài ra, nhiều cá nhân và tập thể đơn vị trực thuộc của nhà trường được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn tặng Bằng khen.
Kế thừa truyền thống, khẳng định vị thế hiện tại, định hướng phát triển tương lai, xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực Dược có trình độ Cao đẳng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tiến tới thành lập Trường Đại học Dược ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, viên chức, giảng viên, học sinh, sinh viên đã và đang công tác, học tập tại Trường có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho sự nghiệp phát triển của Nhà trường nói riêng và cả của ngành Dược trong và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ta nói chung.
Có được những thành tựu như ngày hôm nay, chúng ta trân trọng và biết ơn sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục – Đào tạo, sự quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, các Sở, Ban, ngành của tỉnh Hải Dương, chính quyền và nhân dân nơi Trường đóng. Chúng ta luôn ghi nhớ công lao cống hiến của các thế hệ lãnh đạo Đảng, chính quyền, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức, các đơn vị nhà trường, ghi nhận công sức của các thầy, cô giáo, cán bộ viên chức và học sinh – sinh viên đã góp công sức xây dựng nhà trường không ngừng trưởng thành và phát triển.
Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Nhà trường và đón nhận phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước, chúng ta rất vui mừng được đón tiếp các vịkhách quý, đặc biệt là sự có mặt của các thế hệ lãnh đạo, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức, các cựu học sinh – sinh viên của Trường cùng về hội tụ chung vui dưới mái trường Dược thân yêu.
Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, xây dựng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương vững bước đi lên, xây dựng nhà trường phát triển mạnh hơn nữa, xứng đáng là một địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực Dược tin cậy và có uy tín của cả nước !