Xây dựng, hoàn thiện sáng kiến cải tiến làm
chất tẩy rửa từ enzyme bồ hòn
Giảng viên Nguyễn Thị Hoa – Bộ môn Hóa Dược
Bạn thường xuyên phải tiếp xúc với chất tẩy rửa hàng ngày?
Bạn bị khô ráp tay sau khi rửa bát, lau chùi nhà cửa, giặt quần áo?
Bạn lo ngại khi làn da mịn màng của bạn phải tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa làm từ hóa chất.
Thật may mắn…đã có giải pháp từ thiên nhiên an toàn với da tay và thân thiện với môi trường mà bạn có thể tự làm tại nhà.
Cùng theo dõi sáng kiến cải tiến của giảng viên Nguyễn Thị Hoa bộ môn Hóa Dược để hiểu thêm về giải pháp này nhé.
Chất tẩy rửa tự nhiên là gì?
Chất tẩy rửa là một chất hoạt động bề mặt hoặc một hỗn hợp các chất hoạt động bề mặt có khả năng làm sạch. Chất tẩy rửa tự nhiên là chất tẩy rửa có nguồn gốc từ dược liệu, hoa quả tự nhiên.
Ưu điểm của chất tẩy rửa tự nhiên là đảm bảo an toàn cho da, sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.
Sáng kiến đề xuất giải pháp làm enzym bồ hòn từ rác hữu cơ, là sản phẩm phụ nhà bếp, thông dụng, dễ làm, có thể làm mọi lúc mọi nơi, đặc biệt ở Việt Nam có rất nhiều trái cây và sẵn bồ hòn với giá thành rẻ.
Điểm tuyệt vời của enzyme bồ hòn là sự kết hợp hoàn hảo của Saponin trong dược liệu. Saponin trong bồ hòn có khả năng tạo bọt, làm sạch và được coi là xà phòng tự nhiên. Quá trình lên men tạo ra được hỗn hợp enzyme như amylase, protease, lipase… làm tăng khả năng làm sạch, tẩy rửa. Bã của quá trình lên men là loại phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.
Ai là người đầu tiên đề xuất sử dụng enzyme hữu cơ?
Tác dụng làm sạch của Enzym hữu cơ đã được đề xuất và chứng minh lần đầu tiên bởi tiến sĩ Rosukon Poompanvong, người sáng lập Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Thái Lan. Ý tưởng của dự án là nuôi cấy các enzyme từ chất thải hữu cơ mà chúng ta thường sẽ vứt vào thùng rác như chất tẩy rửa hữu cơ. Phát hiện của Tiến sĩ không chỉ chứng minh rằng enzyme này rẻ tiền và dễ chế tạo (với khối lượng lớn) mà nó còn là một chất tẩy rửa hiệu quả. Tuyệt vời hơn cả, là nó thân thiện với môi trường.
Điều thú vị hơn nữa là chúng ta có thể giảm lượng rác hữu cơ chất thành đống trong các bãi chôn lấp, trong khi đó, rác hữu cơ trải qua quá trình chôn lấp kỵ khí có thể sinh ra khí Methan, một loại khí có thể giữ nhiệt nhiều hơn khí CO2. Quá trình lên men tạo enzym hoàn toàn không tạo ra khí độc này.
Làm enzyme bồ hòn có khó không?
Chỉ với 4 nguyên liệu đơn giản là rác hữu cơ, bồ hòn, đường, và nước là bạn có thể tạo được 1 mẻ enzyme bồ hòn rồi.
Các làm như sau: Lấy các nguyên liệu rác hữu cơ: bồ hòn: đường: nước theo tỷ lệ lần lượt là 2:1:1:10. Đổ các nguyên liệu trong một bình nhựa có nắp, khuấy đều và ủ lên men trong vòng 3 tháng. Trong 1 tháng đầu tiên, mỗi ngày mở nắp bình chứa để thoát khí của quá trình lên men. Trong những tháng tiếp theo, thỉnh thoảng mở nắp bình chứa.
Tiến hành so sánh khả năng tẩy rửa của enzyme bồ hòn với các chất tẩy rửa thông thường trên thị trường thì kết quả thu được như sau:
Đối với rửa chén bát: enzyme bồ hòn làm sạch 100% dầu mỡ, chất bẩn của bát đĩa so với chất tẩy rửa thông thường. Ưu điểm khác nữa là enzyme còn sót lại trong quá trình rửa bát sẽ phân hủy chất thải bám trên các đường ống thoát nước nên làm thông đường cống thoát nước. Đây là điều mà chất tẩy rửa thông thường không làm được. Ngược lại, khi sử dụng chất tẩy rửa thông thường sẽ tạo thành các chất keo dính lại trên các đường ống thoát nước nên rất dễ bị tắc cống.
Đối với lau dọn nhà bếp và sàn nhà: enzym bồ hòn dễ dàng làm sạch 100% so với chất tẩy rửa khác mà không gây mùi hóa chất khó chịu.
Đối với giặt quần áo: hiệu quả đối với quần áo màu, không khuyến khích sử dụng đối với quần áo trắng.
Như vậy enzyme bồ hòn rất đa dụng, sử dụng được với nhiều mục đích khác nhau. Nhược điểm duy nhất là nó có mùi chua như giấm, không thơm như các sản phẩm tẩy rửa thương mại khác. Để khắc phục vấn đề này, sáng kiến đã đề xuất giải pháp thêm sả, vỏ chanh, vỏ cam, vỏ bưởi, quế...trong quá trình lên men.
Hiện nay sáng kiến tạo enzyme bồ hòn đã được cô Nguyễn Thị Hoa xây dựng đề xuất làm chương trình giảng dạy cho hoạt động trao đổi của trường Cao đẳng Dược trung ương Hải Dương và trường RP Singapore. Hy vọng, thông qua chương trình trao đổi sinh viên, cô Hoa có thể gửi thông điệp sống xanh tích cực cho các sinh viên quốc tế.
ThS. DS. Bùi Thị Duyên - Bộ môn Dược liệu