//

SÀI GÒN - NHỮNG NGÀY TÌNH NGUYỆN CHỐNG DỊCH ĐÁNG NHỚ!

SÀI GÒN - NHỮNG NGÀY TÌNH NGUYỆN CHỐNG DỊCH ĐÁNG NHỚ !
Miền Nam gọi chúng tôi vào tâm dịch
Hăng hái lên đường dẫu biết lắm gian nan
Một khi COVID dịch đã lan tràn
Vì miền Nam thầy trò cùng gắng sức.
 


         Phố phường Sài Gòn luôn nhộn nhịp với lấp lánh ánh đèn màu về đêm. Nhưng giờ đây thật khác, vẻ năng động vốn có của Sài Gòn thu mình lại, để lại vẻ yên tĩnh, vắng lặng đến thân thương. Ngoài đường đã không còn bóng người qua lại, chỉ còn những chuyến xe cứu thương reo inh ỏi, những chiếc xe chở mặt hàng thiết yếu đến cho người dân. Trước tình hình diễn biến phức tạp, số ca mắc mỗi ngày đều tăng nhanh chóng, áp lực ngày càng đè nặng lên đôi vai của các “chiến binh áo trắng” - Là các Y, bác sỹ đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống đại dịch. Trong lúc này đây, miền Nam gọi, Hải Dương xin trả lời.
 
        
          Chiều ngày 23/08/2021, chúng tôi nhận được lời kêu gọi tham gia tình nguyện giúp sức miền Nam của Bộ Y Tế. Với sức trẻ và lòng quyết tâm cao mong Sài Gòn khỏe lại, chúng tôi đã không ngần ngại viết đơn đăng ký tham gia. Trong một ngày tập huấn với những lời dặn dò quý giá của thầy cô trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, đoàn tình nguyện đã sẵn sàng tiến vào tâm dịch với khẩu hiệu “ Chung sức đồng lòng đập tan COVID “ . Chúng tôi không còn nghĩ chuyến Nam tiến lần này là những ngày du lịch hay vui chơi, mà thay vào đó là tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm cao nhất.



       Buổi sáng đầu tiên trên đất Sài Thành, cả đoàn chúng tôi được phân ra thành các nhóm nhỏ đến các phường khác nhau và nhận nhiệm vụ. Nhóm chúng tôi được “Bố” Quyết Đại Ca (tên chúng tôi dành gọi cho Thầy Quyết – Trưởng đoàn) xếp cho vị trí đầu bảng với cái tên “xịn xò” “ NHÓM 1”. Ngay sau đó chúng tôi di chuyển và nhận nhiệm vụ tại khu vực 1– phường Cát Lái – là một “vùng đỏ”. Khu cách ly THCS Thạnh Mỹ Lợi là nơi làm việc và đồng thời là nơi ở của nhóm tôi trong quá trình tham gia chống dịch.



          Lần đầu đặt chân vào khu cách ly, chúng tôi cảm thấy lo lắng và vô cùng sợ hãi vì chưa bao giờ chúng tôi nghĩ dịch bệnh lại đến gần mình như như vậy. Những ngày tiếp theo của chúng tôi sẽ như thế nào đây ?
         Có lẽ điều may mắn nhất đối với chúng tôi khi bước chân vào đây là nhận được tình cảm mến thương của anh quản lý. Anh giúp đỡ chúng tôi rất nhiều từ việc sắp xếp nơi ở đến công việc cần làm hàng ngày. Anh luôn tận tình hướng dẫn chỉ bảo chúng tôi. Công việc đầu tiên mà chúng tôi được nhận là kiểm kê và sắp xếp, cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại khu cách ly. Đó là công việc ngày đầu tiên và ngày thứ 2 của chúng tôi.  Sang ngày thứ 3, nhóm chúng tôi được test PCR mẫu gộp với kết quả là DƯƠNG TÍNH. Lúc đó, chúng tôi dường như sụp đổ và cảm thấy thất vọng kiêm phần lo lắng khi chưa giúp gì được cho người dân mà đã như vậy. Chúng tôi đã cố gắng thật bình tĩnh xin test nhanh lại thì kết quả ra Âm tính. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi được test lại mẫu đơn PCR và có kết quả ÂM TÍNH. Nguyên nhân dẫn đến kết quả dương tính là do trong quá trình vận chuyển mẫu, các mẫu bị nhiễm chéo. Cảm xúc như vỡ òa khi chúng tôi nhận được kết quả mà ai cũng mong đợi.



        Ngày 30/8 là ngày sinh nhật của tôi và Thảo, người chị song sinh của mình. Hai mươi mốt năm cuộc đời, đây là sinh nhật lạ nhất, thiếu thốn nhất, ở một nơi xa nhất và đặc biệt nhất, nhưng cũng là đáng nhớ nhất và ý nghĩa nhất khi chúng tôi tuy không được bên gia đình, nhưng được ở cạnh những người Thầy, người bạn đang kề vai sát cánh nơi đây. Chiếc “bánh kem” là nét phấn trên bảng, cùng món quà vô giá là những lời chúc, lời động viên từ đồng đội cùng gia đình là động lực để hai chị em cống hiến sức trẻ trong cuộc chiến chống lại đại dịch này.
        Sáng ngày thứ 4, chúng tôi được giao nhiệm vụ đưa bệnh nhân trở nặng lên bệnh viện dã chiến thu dung. Đó cũng là một bước ngoặt cho chuyến đi lần này, những điều mới lạ mà chúng tôi chưa từng trải qua, những khó khăn, áp lực nặng nề bắt đầu ập tới. Lần đầu tiên đối mặt với công việc có nguy cơ lây nhiễm rất cao, chúng tôi không khỏi hoang mang. Chúng tôi tự nhủ lòng phải chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân bởi những người dân đang gặp khó khăn và cần chúng tôi giúp đỡ. Tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh cả gia đình đều nhiễm Covid, có những gia đình có tận 7 người là F0 đi điều trị, người già, trẻ em tay nách xách mang những đồ đạc thiết yếu nhất, không ai trong chúng ta tránh khỏi đau lòng. Xót xa hơn khi phải chứng kiến những trường hợp không còn đủ nguyên vẹn chân tay mà phải ngồi xe lăn đi điều trị một mình, không có người giúp đỡ. Ngay buổi  trưa  (13/9), trong chuyến giao bệnh nhân đột xuất đi bệnh viện thu dung số 6. Chúng tôi gặp một em nhỏ tầm chừng 5 tuổi, là một bệnh nhân mắc COVID đi điều trị một mình. Vai em đeo chiếc balo nhỏ xíu, tay xách túi đồ ít ỏi là một hộp khẩu trang được khu cách ly phát tặng. Chúng tôi hỏi em:
  • Bố mẹ em đâu , sao em lại đi một mình ?
Em nhìn tôi với ánh mắt long lanh , ngây thơ của một đứa trẻ. Rồi dường như em nghẹn lại, nhẹ trả lời :
  • Dạ em chỉ có một mình thôi. Em không có mẹ. Mẹ em bỏ em đi rồi . Bố em thì đang trong trại cai nghiện .
        Mắt chúng tôi dường như mờ đi đôi chút, sống mũi chợt cay, thương em lắm và cũng nể phục em, một chàng trai rất mạnh mẽ. Chúng tôi muốn ôm em , động viên em lắm nhưng không thể chỉ biết đứng xa và an ủi em  “Quyết tâm nào chiến binh dũng cảm, hãy thật mạnh khỏe để chống lại Covid em nhé!”. Đứng nhìn em từ xa mà lòng tôi thắt lại. Còn bé xíu như này, đáng lẽ em phải được tận hưởng tuổi thơ hạnh phúc bên ông bà cha mẹ, trong những khu vui chơi hay ở trường cùng bạn, chứ không phải một mình, ở những nơi khốc liệt như thế này…
 

        Ở trong khu cách ly, chúng tôi biết rằng hầu hết ở đây đều là những người dân nghèo, khó khăn, ảnh hưởng tâm lý. Họ vẫn thường gọi chúng tôi :”Cô ơi, buổi tối đi ngủ trong này lạnh quá, cho tôi mượn chăn gối được không ?” , “Cô ơi, tôi bị đau dạ dày, cô mua thuốc giúp tôi được không?” , “ Cô ơi bao giờ thì tôi được về, con nhỏ ở nhà không có ai trông.” .... Nhiều lắm, mỗi người có một tâm sự riêng, một nỗi niềm riêng. Không chỉ chiến đấu với dịch bệnh và những nỗi đau về thể xác, dường như họ phải chống lại những nỗi đau tinh thần. Chúng tôi luôn cố gắng động viên, giúp họ vơi đi bớt những khó khăn để họ có thể mạnh mẽ chống lại dịch bệnh.
        Lấy mẫu cho F0 cũng là một trong những công việc chính mà chúng tôi phải làm. Lần đầu tiên đi lấy mẫu, cảm xúc hồi hộp, tay cầm que tăm lấy mẫu mà ai nấy cũng còn run run vì sợ cảm giác mình sẽ làm đau người khác. Nhưng chúng tôi cố gắng trấn an bản thân, động viên người bệnh rằng mọi thứ sẽ không sao, mọi thứ sẽ ổn sớm thôi. Công việc càng trở nên khó khăn hơn khi phải lấy mẫu cho những đứa trẻ độ tuổi thiếu nhi. Chúng khóc gào, giãy giụa và cùng lời van xin “con xin cô , cô đừng làm đau con mà”. Hôm đó, chúng tôi được phân công nhiệm vụ đến khu cách ly lấy mẫu, vừa hoàn thành xong công việc, có một cậu bé chừng 4 tuổi lại gần chúng tôi, nhìn khuôn mặt bé đầy lo lắng như muốn chúng tôi giúp đỡ. Cậu bé ấy đáng thương lắm, đen đúa, chân không mang dép. Tôi tiến tới lại “ Con cần cô giúp gì sao”? . Cậu bé chỉ gật đầu và móc từ từ trong túi quần ra 100k được vo tròn rất cẩn thận và nói “ Cô ơi cô có thể mua giùm sữa cho em con  được không ạ, em con hết sữa để uống rồi, nó toàn quấy khóc thôi. Con cám ơn cô nhiều”. Thật sự lúc đó chúng tôi không biết làm thế nào, không biết giúp cậu bé đó bằng cách nào. Khu cách ly đó rất hoang vắng, mà lúc đó còn là giữa trưa. Chúng tôi chỉ dặn bé lên phòng nghỉ ngơi, chúng tôi không dám hứa trước là có giúp được cậu bé hay không, nhưng sẽ cố gắng tìm mọi cách để giúp. Sau 1 tiếng tra Google Maps tìm đường, tìm tiệm tạp hóa thì cuối cùng cũng mua được sữa tặng cậu bé.  Lúc đó chỉ kịp hỏi tên và chúc bé mau sớm khỏi bệnh vì lúc đó chúng tôi đang rất vội phải trở về nhà để kịp với công việc của buổi chiều.
        Khi chứng kiến toàn bộ quá trình đưa bệnh nhân trở nặng đi cấp cứu,  chúng tôi vô cùng xúc động khi hiểu rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh khiến mọi người cần sống tử tế và mạnh mẽ hơn, càng xúc động  hơn khi người bệnh nằm trên giường cấp cứu vẫn còn cố gắng nói với tôi rằng  “Cô ơi, cô cứu tôi với, tôi không chết đúng không cô ơi ?”, “ Cô ơi tôi đau quá, tôi khó thở quá” .... Nghe những lời than vãn, kêu cứu của bệnh nhân khiến tôi ứ nghẹn ấp úng không thể nói thành câu.Và giây phút tôi nghe được những câu hỏi đó có lẽ đó là những câu hỏi đáng nhớ nhất của cuộc đời , nó là những câu hỏi mà tôi không dám trả lời và cũng không thể nào có câu trả lời chính xác. Tôi chỉ biết động viên và giúp họ cố giữ được bình tĩnh, mong mọi điều sẽ bình an .
         Những ngày này ở giữa tâm dịch Sài Gòn, khắp các bệnh viện dã chiến các y bác sĩ , điều dưỡng đang căng mình thực hiện nhiệm vụ, tăng tốc chạy đua mỗi phút giây để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân COVID 19 đang đứng trước lưỡi hái của tử thần. Lực lượng các chiến sỹ công an, quân đội và dân quân tự vệ cùng các tình nguyện viên tại các chốt kiểm soát dịch cũng ngày đêm bảo vệ, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.





          Dưới cái nắng gắt như cháy da, ngột ngạt, mồ hôi nước mắt hòa thấm bộ quần áo bảo hộ kín như bưng, nóng nực và ngột ngạt, mùi cồn xịt lên tay và toàn bộ quàn áo bảo hộ, nồng xốc tỏa ra khắp người. Chúng tôi dường như đã kiệt sức, nhưng tất cả đều động viên nhau không được phép gục ngã, không thể buông xuôi Bởi vì “Mệt mỏi chỉ là cảm giác”. Vất vả đó cũng chỉ là một phần của lực lượng tuyến đầu chống dịch ngày đêm chiến đấu với bệnh tật dành lại sự sống cho người dân, vì thế chúng tôi càng phải cố gắng, quyết tâm góp sức nhỏ bé của mình cùng đẩy lùi dịch bệnh .
         Qua 18 ngày làm việc tại nơi đây, Nhóm 1- Phường Cát Lái chúng tôi hứa sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ người dân và cũng như các cán bộ nhân viên y tế , qua đó cũng giảm bớt một phần vất vả gánh nặng đối với họ. Qua đây chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến mọi người dân, các anh chị nhân viên y tế nơi đây đã dành cho chúng tôi những tình cảm đặc biệt nhất, tại nơi đặc biệt nhất. Và chúng em cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến BGH trường CĐ Dược TW Hải Dương , và hai thầy Nguyễn Văn Quyết và thầy Đỗ Văn Khái đã luôn sát cánh đồng hành giúp đỡ chúng em trong những lúc khó khăn nhất. Điều đó giúp chúng em có thêm động lực để chiến đấu cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh , mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người dân. Để công việc chống dịch sớm được kết thúc, để những đau thương mất mát đi qua vì đại dịch, mỗi gương mặt, mỗi nụ cười không bị che lớp qua lớp khẩu trang, mỗi chúng ta hãy nghiêm túc tuân thủ thông điệp 5K, đồng thời thực hiện 9 biện pháp phòng chống dịch Covid 19 mới của Bộ Y Tế. Có như vậy thì cuộc sống chúng ta sớm được hồi sinh, nhịp sống mới sớm trở về như những gì chúng ta vốn có. Hãy cùng cố gắng để dịch bệnh được đẩy lùi, để chúng ta lại được sống trong bầu không khí náo nhiệt, tấp nập vốn là đặc trưng Sài Thành.
                                                TNV Nhóm 1: Vũ Thị Hiền
                                                                         Vũ Thị Thảo 
                                                                         Trần Thị Bích Ngọc

THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Trường cao đẳng Dược Trung ương hải Dương
  • 324 Nguyễn Lương Bằng - Thành phố Hải Dương
  • Điện thoại: 0220.3.890.944
  • Fax: 0220.3.890.486
  • Email: caodangduoctwhd@moet.edu.vn
  • Website: www.duoctu-hd.edu.vn
  • CRBPharm - Sản phẩm từ tâm
  •  
Tuyển sinh - Đào tạo

Đăng ký nhận bản tin từ nhà trường

Fanpage Facebook