//

Kháng thuốc kháng sinh - nguy cơ nhiễm khuẩn hết thuốc trị

KHÁNG THUỐC KHÁNG SINH - NGUY CƠ NHIỄM KHUẨN HẾT THUỐC TRỊ

 

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta đang gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây, việc mua, bán và sử dụng thuốc kháng sinh đang ở mức báo động cao. Bộ Y tế cảnh báo, nếu không có biện pháp ngăn chặn, trong tương lai, chúng ta có thể rơi vào cảnh không còn thuốc điều trị nhiễm khuẩn.

 

Mua, bán và sử dụng thuốc kháng sinh – những con số biết nói

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, vấn đề kháng thuốc xuất hiện từ những năm cuối của thập kỷ 60, tuy nhiên việc gia tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh đang trở thành nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại.

 

ThS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, kết quả khảo sát việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc khu vực phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của cả người dân lẫn người bán thuốc hiện rất thấp. Trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc được điều tra, có đến 499/2.083 nhà thuốc ở thành thị (chiếm tỷ lệ 24%) và 257/870 nhà thuốc khu vực nông thôn (chiếm 29,5%) bán đơn thuốc có kháng sinh. Đặc biệt, có khoảng 50% người dân ở thành thị thường yêu cầu bán thuốc kháng sinh dù không có đơn kê của bác sĩ. Ba loại thuốc kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/ amoxicillin, cephalexin và azithromycin.

 

Trên thực tế, tình trạng mua bán, sử dụng kháng sinh tùy tiện có thể còn cao hơn nhiều. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thẳng thắn chỉ ra: "Không quá khi nói rằng việc mua bán kháng sinh tại các hiệu thuốc ở nước ta hiện nay dễ như… mua rau. Người Việt Nam cũng có thói quen sử dụng kháng sinh như… ăn cơm, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống”. Một cuộc khảo sát khác do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thực hiện cho thấy, 90% kháng sinh được bán không có đơn của bác sĩ, thuốc kháng sinh chiếm 25% tổng số thuốc bán ra tại các nhà thuốc tư nhân, trong khi những người đứng bán thuốc lại thường không cónhiều kinh nghiệm.

 

Hiện nay để điều trị bệnh, các bác sĩ không chỉ dùng một mà phải phối hợp nhiều loại. Khảo sát 443 hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Trung ương Huế năm 2012 cho thấy, chỉ có duy nhất một hồ sơ bệnh án sử dụng một loại kháng sinh, 2 loại là 43 hồ sơ; trong khi đó nhiều nhất là sử dụng 3 loại, thậm chí có 34 hồ sơ bệnh án sử dụng đến hơn 6 loại.

 

Ngay trong một số bệnh viện, việc kê đơn kháng sinh của bác sĩ cũng chưa thật chặt chẽ, chưa kể nhiều khi còn bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân như kê đơn để hưởng “hoa hồng” của các hãng dược phẩm. Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phân tích, ở nước ngoài, việc kê đơn thuốc, kê kháng sinh được kiểm soát rất chặt nên ngay cả các giáo sư khi kê đơn thuốc cũng rất thận trọng, bởi nếu bị phát hiện kê đơn thuốc không đúng có thể bị rút giấy phép hành nghề. Ở Việt Nam, quy định pháp luật đầy đủ nhưng việc thực thi lại là chuyện khác. “Nhiều bác sĩ lâu năm tự cho mình giỏi, khám qua loa là phóng bút kê đơn, có khi còn viết sai cả tên hoạt chất, liều lượng thuốc. Nhưng từ trước đến nay chưa có bác sĩ nào bị rút giấy phép hành nghề vì kê đơn sai cả” - TS Nguyễn Văn Kính nói.

 

Hậu quả nặng nề

Theo ThS Cao Hưng Thái, tình trạng kháng kháng sinh gia tăng nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nặng nề trong tương lai không xa. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới đã lên tiếng cảnh báo tình trạng kháng kháng sinh ở phạm vi toàn cầu và kêu gọi phong trào “Không hành động hôm nay, không thuốc chữa bệnh ngày mai”. Trước mắt, hậu quả trực tiếp mà người bệnh, các cơ sở y tế ở nước ta đang phải gánh chịu từ việc gia tăng kháng kháng sinh là hiệu quả điều trị thấp, phải điều trị dài ngày, phải kết hợp nhiều loại thuốc dẫn đến chi phí điều trị cao, thậm chí ngày càng nhiều bệnh do vikhuẩn đa kháng thuốc không thể cứu chữa được.

 

Ngay từ những năm 2001, qua khảo sát 11 nước châu Á, tỷ lệ kháng loại kháng sinh phổ biến penicillin ở Việt Nam đã ở nhóm cao nhất thế giới (71,4%), tiếp theo là Hàn Quốc (54,8%), Hồng Kông (Trung Quốc) 43,2%. Tương tự, tỷ lệ kháng loại kháng sinh phổ biến khác là erythromycin ở Việt Nam cũng rất cao, tới 92,1%...

 

Thực tế hơn, TS Nguyễn Văn Kính phân tích, kháng kháng sinh ngoài nguyên nhân chính do sử dụng kháng sinh bừa bãi còn do sự biến đổi của chính các loại vi khuẩn, do tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện và nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện. Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - bệnh viện tuyến cuối về các bệnh nhiễm khuẩn, hiện bình quân mỗi ngày tiếp nhận 5-6 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nặng mà trong đó chủ yếu do vi khuẩn kháng thuốc gây ra. Với những bệnh nhân mắc các bệnh lý do vi khuẩn kháng kháng sinh, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều bệnh nhân bình thường, từ 30-90%. Đặc biệt với những bệnh do vi khuẩn đa kháng thuốc thì tỷ lệ tử vong lên tới… 99%, bởi không còn thuốc chữa.

                                                                                               Ths Trương Hải Nam

Tài liệu tham khảo

1. Nam Phương – Kháng thuốc kháng sinh ở  Việt Nam đang ở mức báo động

2. Trần Thị Minh Nguyệt – Khi nào cần dùng kháng sinh trong viêm họng

3. Huy Hà – Tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam cao nhất thế giới

THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Trường cao đẳng Dược Trung ương hải Dương
  • 324 Nguyễn Lương Bằng - Thành phố Hải Dương
  • Điện thoại: 0220.3.890.944
  • Fax: 0220.3.890.486
  • Email: caodangduoctwhd@moet.edu.vn
  • Website: www.duoctu-hd.edu.vn
  • CRBPharm - Sản phẩm từ tâm
  •  
Tuyển sinh - Đào tạo

Đăng ký nhận bản tin từ nhà trường

Fanpage Facebook